Các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ ý định đầu tư, đồng hành cùng Hà Tĩnh phát triển
Với nhiều “điểm cộng”, Hà Tĩnh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên lề hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ ý định đầu tư vào địa bàn và khẳng định tiếp tục đồng hành cùng Hà Tĩnh trong chiến lược phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT:
“Quyết tâm mang đến “hạ tầng mềm” góp phần đưa Hà Tĩnh vươn xa hơn”
Chúng tôi đánh giá rất cao Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh đã nhấn mạnh nhiều nội dung, trong đó FPT tâm đắc với những định hướng về phát triển trung tâm công nghiệp, thúc đẩy phát triển, khai thác tiềm năng tỉnh nhà…
Để phát triển công nghiệp, nguồn lực chất lượng cao là yếu tố cốt lõi. Nên chăng, chúng ta hãy mang thêm một thế mạnh nữa đến với Hà Tĩnh để xây dựng trung tâm nguồn lực chất lượng cao với chi phí hợp lý, nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Hà Tĩnh là vùng “đất học” trứ danh và luôn mang khát vọng tri thức, với thế mạnh của lĩnh vực mình, FPT mong muốn sẽ xây dựng thương hiệu “đất dạy” Hà Tĩnh với nhiều giáo viên và học sinh có năng lực toàn cầu.
Đồng thời, tập đoàn cũng mong muốn đồng hành cùng địa phương trong việc cải thiện các chỉ số chuyển đổi số. Qua đó góp phần mang thêm “hạ tầng mềm” góp phần đưa Hà Tĩnh vươn xa hơn. Với ý nghĩa đó, chúng tôi dự định đầu tư tổ hợp giáo dục tại tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng trường phổ thông liên cấp FPT tại Hà Tĩnh; đề xuất được giới thiệu để mở cơ sở đào tạo của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tại địa phương; chia sẻ cách tiếp cận, tổ chức, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số…
Được sự quan tâm, vào cuộc của tỉnh, tôi tin rằng sẽ rất sớm, hệ thống giáo dục FPT được xây dựng tại Hà Tĩnh. Nếu được chấp thuận và thống nhất xác định được vị trí thì dự kiến tháng 9/2024 FPT sẽ bắt đầu tuyển sinh và đón các em vào trường học mới.
Ông Hervé CONAN: Giám đốc quốc gia, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam:
"Cùng Hà Tĩnh hướng tới mục tiêu tăng trưởng đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu"
Theo tôi, việc phê duyệt sớm Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là một điểm nhấn quan trọng có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh. Tại địa phương, tiềm năng về năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) và kinh tế biển rất lớn. Tôi đánh giá rất cao việc tỉnh đặt sản xuất điện và phát triển kinh tế biển đã nằm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm trong bản quy hoạch phát triển được công bố ngày hôm nay. Điều đó có nghĩa tỉnh Hà Tĩnh muốn thể hiện vai trò của mình trong chính sách “xanh hóa” cơ cấu năng lượng.
Với AFD, Hà Tĩnh là một đối tác quan trọng và thân tình từ hơn 10 năm qua với 1 dự án đã hoàn thành và 2 dự án đang triển khai tại huyện Thạch Hà và huyện Hương Khê. Mục tiêu của các dự án đều vì mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Điểm nhấn của Hà Tĩnh là gắn quy trình đô thị hóa với những thành phố/đô thị mới cỡ vừa và nhỏ năng động. Vẫn còn thời gian và còn khả năng để Hà Tĩnh định hướng sự phát triển đô thị theo một khuôn khổ cho phép tỉnh dự báo trước và quản lý sự tăng trưởng dân số của địa phương, đồng thời hạn chế mức phát thải carbon và cải thiện khả năng chống chịu, phục hồi với BĐKH. Tôi thấy rằng cần có sự thay đổi trong phương thức đô thị hóa hiện nay, tác động tích cực của một số công trình đầu tư bị hạn chế khi mà sự xây dựng những khu đô thị mới dẫn đến thu hẹp những hệ thống tiêu thoát nước tự nhiên khi ngập lụt. Sự tăng cường năng lực của cấp địa phương để giải quyết những thách thức do BĐKH đặt ra là một nhu cầu thực sự...
Nhiệm vụ của chúng tôi tại Việt Nam là đồng hành cùng các quá trình chuyển đổi khác nhau phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khác nhau của Việt Nam. Với Hà Tĩnh, AFD sẽ đồng hành để phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp; coi trọng đất đai tự nhiên, bảo vệ và phục hồi; chuẩn bị cho các trường hợp và hiểm hoạ bất thường; giảm các ảnh hưởng đến hệ sinh thái; xây dựng những khu vực mới không dễ bị rủi ro tự nhiên... nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng đô thị xanh và thích ứng BĐKH.
Bà Đào Thị Cầu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Quần (TP Hà Nội):
"Sẽ sớm đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh".
Hà Tĩnh hiện có nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tiềm năng với lợi thế phát triển như: vị trí địa lý thuận lợi, giao thông kết nối liên vùng, nguồn lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng... Điều phấn khởi hơn nữa là Hà Tĩnh đã tập trung kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN nhằm tăng tỷ lệ lấp đầy.
Định hướng phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định: phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Qua tìm hiểu, đến năm 2030, ngoài các KCN nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh quy hoạch 5 KCN với tổng diện tích khoảng 1.287 ha và 45 CCN với tổng diện tích khoảng 1.892 ha. Với những mục tiêu, định hướng được tỉnh xác định cùng các chính sách thu hút hấp dẫn là niềm tin cho các nhà đầu tư tìm hiểu, đồng hành cùng Hà Tĩnh tạo bước tăng trưởng mới, là 1 trong 4 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Công ty TNHH Hòa Quần chuyên đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN và xúc tiến đầu tư. Tới Hà Tĩnh lần này, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng và xin chủ trương đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, CCN trên địa bàn. Cùng đó, sẽ kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư tại Hà Tĩnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Bà Nguyễn Thị Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ sinh học Thuận Phát (TP Hồ Chí Minh):
“Sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân Hà Tĩnh”
Hà Tĩnh là tỉnh đi lên từ nông nghiệp, có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư của Hà Tĩnh, tôi đã được đi tham quan nhiều địa điểm và cảm nhận được sự phát triển không ngừng của tỉnh. Nhìn những ruộng lúa, những mô hình chăn nuôi, mô hình kinh tế trên địa bàn…, tôi tin Hà Tĩnh sẽ ngày càng phát triển vững mạnh nền nông nghiệp sạch.
Với lĩnh vực kinh doanh của mình, Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Thuận Phát luôn tiên phong trong việc tìm kiếm những “Giải pháp cho ngành nông nghiệp xanh, sạch - an toàn - bền vững” để giúp người chăn nuôi có thể kiểm soát và hạn chế tối đa chi phí đầu tư nhằm tăng lợi nhuận trong thời kỳ chăn nuôi hiện đại.
Thuận Phát mong muốn ứng dụng công nghệ sinh học, để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất và tối thiểu hóa chi phí nhằm mang lại lợi ích cho nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng tôi đã phát triển ở thị trường các tỉnh Nghệ An, Đồng Nai… Mong rằng, thời gian tới đây tỉnh sẽ tạo điều kiện để công ty đưa công nghệ sinh học về với tỉnh, chúng tôi sẽ đồng hành cùng người dân Hà Tĩnh.