CPI quý I của Hà Tĩnh tăng cao nhất 5 năm qua gây áp lực kiềm chế lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2020 của Hà Tĩnh tăng đột biến đang tác động tiêu cực đến việc ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Trong hơn 3 tháng đầu năm, các yếu tố bất lợi như: giá thịt lợn duy trì ở mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19… đã tác động lớn tới đời sống dân sinh, đẩy chỉ số CPI của Hà Tĩnh tăng lên.
Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tuy CPI tháng 3 đã giảm 0,68% so với tháng trước nhưng CPI bình quân quý I năm 2020 vẫn tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, làm tăng áp lực lên việc kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Bà Uông Thị Hoàn - Trưởng phòng Thống kê – thương mại (Cục Thống kê Hà Tĩnh) cho hay: “Trong thời gian qua, giá thịt lợn “neo” ở mức quá cao, tiếp tục khiến các mặt hàng thiết yếu bị chi phối. Cùng đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động thông thương với Trung Quốc, đồng thời đẩy nhu cầu một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh, lương thực, thực phẩm chế biến sẵn trên đà tăng lên gây khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I vừa qua”.
Chị Trần Thị Hoài (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Dù có nghe tin là nhiều doanh nghiệp cam kết điều chỉnh giá lợn hơi xuống 70.000 nghìn/kg nhưng hiện nay, người tiêu dùng vẫn phải dùng thịt lợn giá cao như vài tháng trước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cách chi tiêu của gia đình tôi giữa lúc dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ”.
Cần theo sát diễn biến thị trường, ổn định tâm lý người dân
Theo phân tích của Cục Thống kê Hà Tĩnh, do tác động của dịch Covid-19, trước mắt, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh giảm sút, có thể kéo tốc độ tăng CPI xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài và có tác động mạnh tới sản xuất - kinh doanh, tới nguồn cung của thị trường thì rất dễ dẫn việc mất cân bằng cung - cầu hàng hóa gây khó khăn trong điều chỉnh CPI và mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cùng đó, không thể loại trừ các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến CPI như: việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình (y tế, giáo dục); biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới; điều chỉnh mức lương cơ bản...
Trước thay đổi nhanh chóng của thị trường tại Hà Tĩnh đòi hỏi công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát cung cầu cần được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, đặc biệt là trong quý II này.
Trước mắt, ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi chủ động thực hiện tái đàn lợn với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tốt để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trên địa bàn tỉnh, làm điều kiện đưa giá thịt lợn xuống thấp, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa cho biết: “Sở Công thương phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường, Sở NN&PTNT… tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả và các mặt hàng thiết yếu tại địa phương để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối, ổn định cung - cầu, nhất là trong thời diểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; chủ động chuẩn bị dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, sẵn sàng huy động cung ứng khi có diễn biến mới của dịch bệnh…”.