Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư: Quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay khó khả thi
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội lo lắng khi quy định quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay tại Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) "quá to".
Dự thảo Luật PPP đang tiếp tục được hoàn thiện. Trong ảnh: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Đức Thanh |
Chuẩn bị để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Dự thảo Luật PPP đang tiếp tục được hoàn thiện và sẽ lên bàn nghị sự của Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra tới đây.
Vấn đề cực kỳ lớn
Được nhấn mạnh là rất khó, rất phức tạp, cho đến phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3/2020 vừa qua, Dự thảo Luật PPP vẫn còn không ít vấn đề gây băn khoăn lớn, trong đó có quy định quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay tại Điều 55.
Dự thảo Điều 55 quy định, bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đã hình thành theo hợp đồng trong trường hợp nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án PPP không thực hiện được các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng PPP hoặc hợp đồng vay vốn. Bên cho vay còn có quyền đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư khác để ký kết và tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án.
Dự thảo cũng quy định, bên cho vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì thực hiện theo quy định của pháp luật ngân hàng.
Nhấn mạnh quan hệ đối tác công - tư tại dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn, dự án có sự tham gia của Nhà nước, thì liệu bên cho vay có quyền “xiết nợ” để giao cho đối tác khác? Ông Giàu cho rằng, phải đối chiếu với nền tảng là Bộ luật Dân sự trong quan hệ dân sự xem quyền của bên cho vay tại luật này có cao hơn không.
Cũng băn khoăn về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, việc tiếp nhận tài sản của bên cho vay trong trường hợp này thực chất là cụ thể hóa một chế định của Bộ luật Dân sự về việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này, bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định pháp luật. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, đối với trường hợp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải tất cả mọi đối tượng đều có thể được nhận quyền sử dụng đất đó, nhất là đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bởi thế, theo ông Tùng, quy định như Điều 55, Dự thảo Luật PPP sẽ mâu thuẫn, không khả thi, không thực hiện được trong thực tế, cần được xem xét lại.
Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, quy định tại Điều 55 là vấn đề cực kỳ lớn và nếu áp dụng cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thì còn liên quan đến chủ quyền quốc gia, vì thế phải nghiên cứu thật kỹ.
Chuyên gia ngân hàng nói gì?
Ở góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng, quy định tại Điều 55 tưởng như tạo cơ chế thoáng cho ngân hàng, nhưng thực tế không thể làm được nếu không có quy định về bàn giao (khi các bên đồng thuận) và thu giữ (khi chủ đầu tư không đồng thuận), đặc biệt khi tài sản đó không phải là tài sản bảo đảm của bên cho vay.
Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng rất khó cưỡng chế. Chưa kể khi thu giữ xong, bất động sản bị từ chối sang tên do văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu phải có biên bản bàn giao (không chấp nhận thu giữ), hoặc ngân hàng không có mục đích sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng của bất động sản. Vì vậy, phải có nghị định hoặc thông tư liên bộ hướng dẫn cụ thể mới triển khai được.
Một vị chuyên gia phân tích, dùng từ “tiếp nhận” nghe nhẹ nhàng, nhưng không rõ về pháp lý, không làm rõ được quyền sở hữu của bên cho vay, bởi chế độ sở hữu không có khái niệm “tiếp nhận”. “Chỉ khi làm rõ bên cho vay được quyền sở hữu, thì bên cho vay mới được quyền yêu cầu bàn giao, thu giữ và tự làm thủ tục sang tên tài sản, nếu không, Điều 55 không có tính khả thi”, vị này nói.