Hiệu quả kép từ nguồn vốn ODA ở Hà Tĩnh
Không chỉ hỗ trợ vốn, các dự án ODA ở Hà Tĩnh còn chuyển giao tri thức, kinh nghiệm quản lý từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Thời gian qua, Hà Tĩnh ưu tiên đầu tư nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng. Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tích cực và lan tỏa trên diện rộng. Qua đó góp phần cải thiện đời sống Nhân dân; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư của tỉnh.
Đơn cử, “Dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - Tiểu dự án tỉnh Hà Tĩnh” được thực hiện trên 22 xã/phường/thị trấn thuộc 11 huyện/ thành phố/thị xã của Hà Tĩnh. Đây là dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng mức đầu tư hơn 20 triệu USD (trong đó vốn WB là 18 triệu USD). Tỉnh Hà Tĩnh được Trung ương cấp, phát 100% vốn.
Dự án được thực hiện từ năm 2017, hoàn thành xây dựng năm 2021. Ông Lê Quang Thông - cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh cho biết: “Dự án đảm bảo tiến độ và đạt được những kết quả tốt so với khung đề ra. Kết thúc dự án, có 8 cầu được cải tạo, 1,2 km kênh được tái thiết, 14,12 km đê kè và 28,13 km đường được sửa chữa. Các công trình được đề xuất đều bị tác động bởi thiên tai trong nhiều năm và đều có nhu cầu khẩn cấp về việc tái thiết, phục hồi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đi lại của người dân địa phương”.
Các hạng mục công trình thuộc dự án đã được chủ đầu tư nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác và sử dụng. Tổng số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 208.110, cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu. Trong số những người hưởng lợi này, có 50,49% là nữ giới và 7,99% trong số đó là người nghèo.
Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi với 337 tỷ đồng từ WB, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) triển khai từ năm 2017 - 2021 đã hoàn thành xây dựng 72 cầu dân sinh; cải tạo, khôi phục 16 tuyến đường với tổng chiều dài 73,5 km (dự kiến ban đầu là 15 tuyến đường, 68,9 km). Trong đó, hợp phần cầu được triển khai tại 10 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân) và hợp phần đường triển khai tại 9 huyện (trừ TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân).
Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng thôn Hương Yên (xã Lộc Yên, Hương Khê) chia sẻ, cây cầu Lộc Yên cũ thấp, nhỏ và xuống cấp nên mỗi khi mưa lũ chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư. Thậm chí trước đây đã có không ít người và tài sản bị cuốn trôi khi qua cầu. Khi cầu mới được đưa vào sử dụng, người dân địa phương rất vui mừng. Cầu đã góp phần tránh được lũ lụt hằng năm; trẻ em thuận lợi đến trường; người dân thuận lợi sản xuất, lưu thông. Công trình cũng sẽ phục vụ tốt cho công tác phòng, chống, di dời dân, cứu hộ, cứu nạn… khi có bão, lũ lớn.
Ông Trần Văn Sử - Trưởng phòng Quản lý dự án và Quản lý bảo trì, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho hay, dự án đến nay đã hoàn thành và có tác động đến hầu hết các huyện, thành, thị trên địa bàn Hà Tĩnh. Đặc biệt, với cách làm mới, các đối tác yêu cầu địa phương phải chi kinh phí thường xuyên và xây dựng kế hoạch nhằm bảo trì, bảo dưỡng các công trình hằng năm. Điều khoản này đã góp phần thay đổi cách thức điều hành, bố trí nguồn vốn sửa chữa công trình thường xuyên.
Ngoài ra, qua dự án, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn của các cán bộ làm công tác quản lý đầu tư, cán bộ chuyên trách quản lý dự án và các địa phương liên quan được nâng cao; tiếp cận được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quản lý và kỹ thuật vận hành máy móc, hạ tầng kỹ thuật quốc tế hiện đại.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 15 dự án sử dụng nguồn vốn ODA đang thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ nước ngoài là hơn 5.700 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đối ứng. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án được thực hiện nghiêm túc theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Trong đó, một số dự án đang triển khai có nguồn vốn lớn như: Dự án Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Hà Tĩnh thuộc Dự án BIIG2 (gần 1.379 tỷ đồng); Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Kỳ Anh, vay vốn WB (hơn 1.239 tỷ đồng); Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) tỉnh Hà Tĩnh (hơn 479 tỷ đồng); Dự án thành phần Sửa chữa và nâng cao an toàn đập, tỉnh Hà Tĩnh - WB8 (hơn 484 tỷ đồng); Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng các xã bị ảnh hưởng bởi ngập lụt tỉnh Hà Tĩnh” (gần 668 tỷ đồng)…
Thực tế cho thấy, là địa phương khó khăn, nhu cầu về vốn đầu tư cho các công trình, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng ở Hà Tĩnh vẫn còn lớn. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình của thế giới nên khả năng sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi khi vay ODA như trước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là phải có nhận thức, cách tiếp cận và hành động phù hợp với hoàn cảnh mới để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn…
Dự báo thời gian tới, nguồn vốn ODA có chiều hướng giảm dần. Do đó, Hà Tĩnh sẽ tích cực tiếp cận, xúc tiến, vận động để tìm kiếm các dự án hỗ trợ giá rẻ. Trong đó, tập trung vào những lĩnh vực mới, những lĩnh vực mà địa phương đang thiếu kinh nghiệm, tri thức như: kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh… Đồng thời Hà Tĩnh sẽ xây dựng chiến lược để sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn vốn này, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển hạ tầng, kinh tế - xã hội.
Về hiệu quả, các dự án ODA thời gian qua không chỉ hỗ trợ nguồn vốn mà còn chuyển giao tri thức, kinh nghiệm của các nước tiên tiến để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cho địa phương.