Kinh tế số Việt Nam dự báo đạt 21 tỷ USD năm 2021 và tăng lên 220 tỷ USD vào năm 2030
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng Gầm Thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á, do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company ước tính năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái. Các tổ chức này cũng dự báo, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số kể từ đại dịch đến nay |
Từ khi bắt đầu đại dịch vào đầu năm 2020 đến hết tháng 6 năm nay, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm bốn dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai; cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ kỹ, sản phẩm thuật số của người dùng Việt Nam.
Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ kỹ thuật số sắp tới, Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào các động lực thúc đẩy và hỗ trợ quan trọng như thanh toán kỹ thuật số và phát triển nhân tài. |
Trong phần mở đầu của báo cáo về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á, phản hồi của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, họ cho rằng, sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. Hơn nữa, 7 trong 10 doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới
Theo báo cáo, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).
“Qua đại dịch, tôi đã tận mắt chứng kiến người dân Việt Nam kiên cường như thế nào và họ có thể trở thành những người tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng và sáng tạo ra sao. Sự điều chỉnh mới cho dự báo về nền kinh tế Internet của Việt Nam đến năm 2030 cho chúng ta thấy tiềm năng to lớn của đất nước khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số. Các dự án mới nhất của Google như Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 và Lập trình Tương lai cùng Google đã cung cấp hiệu quả các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và các buổi lập trình cho gần một triệu người tại Việt Nam là bằng chứng thực tế cho cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ đất nước phát triển kỹ thuật số”, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Google phụ trách thị trường Lào, Campuchia và Việt Nam chia sẻ.
Với tầm nhìn 10 năm, báo cáo e-Conomy SEA năm 2021 nhấn mạnh khu vực này đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV). Được thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong thương mại điện tử, giao thức ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Đông Nam Á (SEA) ước tính đạt 174 tỷ USD (GMV) vào cuối năm 2021. Con số này dự kiến sẽ vượt qua 360 tỷ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỷ USD.
Báo cáo dự đoán rằng, Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam đang bước vào “Thập kỷ Kỹ thuật số” khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng Internet và quan trọng là 350 triệu trong số đó là người tiêu dùng kỹ thuật số, tức là người dùng Internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020, SEA đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, trong đó trong nửa đầu năm 2021 có 20 triệu người tham gia. Được thúc đẩy bởi đại dịch, người tiêu dùng kỹ thuật số hiện tại đã chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ trực tuyến, giao dịch trung bình trong bốn ngành mới kể từ khi dịch bệnh bắt đầu. Người dùng hiện tại cũng tăng tần suất sử dụng và chi tiêu trên hầu hết các ngành dịch vụ. Việc áp dụng các dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng này không có dấu hiệu đổi chiều và cứ 10 người dùng mới trong năm 2020 thì có 9 người tiếp tục sử dụng trong năm 2021.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á tại Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đã phải chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số nổi lên như những yếu tố hỗ trợ quan trọng với hơn 90% người bán hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Trong 5 năm tới, 8/10 người được khảo sát dự đoán hơn một nửa hoạt động mua và bán nguồn cung ứng của họ sẽ đến từ các nguồn trực tuyến.
“Nền kinh tế Internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu nhờ các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ như một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển gồm các vườn ươm, những trung tâm tăng tốc phát triển và các phòng thí nghiệm đổi mới”, Rohit Sipahimalani, Trưởng bộ phận đầu tư chiến lược, phụ trách chung và Đông Nam Á của Temasek cho biết. Ông nhấn mạnh “Chúng tôi mong muốn tăng cường đầu tư vào các nhà vô địch kỹ thuật số của Đông Nam Á, sử dụng vốn của chúng tôi để xúc tác các giải pháp kỹ thuật số và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và cơ hội việc làm cho các cộng đồng địa phương”.
Theo ông Florian Hoppe, Đối tác và Trưởng bộ phận Thực hành Kỹ thuật số tại Châu Á - Thái Bình Dưong, Bain & Company, Việt Nam có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực với sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà đầu tư và khi ngày càng có nhiều người dân sử dụng internet. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ kỹ thuật số sắp tới, Việt Nam phải tiếp tục đầu tư vào các động lực thúc đẩy và hỗ trợ quan trọng như thanh toán kỹ thuật số và phát triển nhân tài. “Chúng tôi tin rằng sự thâm nhập ngày càng tăng của các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng tương ứng, tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực hậu cần giao nhận cùng với khả năng truy cập Internet phổ biến và sự thay đổi cơ cấu trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế Internet của Việt Nam vào năm 2030”, ông Florian Hoppe nhấn mạnh./.
Nguồn: Kinh tế và Dự báo