Quốc hội họp Kỳ bất thường thứ năm: Đưa Luật Đất đai mới về đích
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn còn khá chông chênh; còn với Luật Đất đai (sửa đổi), thì con đường đến đích đã rất gần.
Nhiều nỗ lực trong những “phút bù giờ”
Sáng nay (15/1), Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm với 4 nội dung, trong đó có việc xem xét thông qua 2 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).
Cả 2 dự án này đều không thể về đích đúng hẹn ở Kỳ họp cuối năm 2023 của Quốc hội, đều cần thêm thời gian để hoàn thiện. Vì thế, trong hơn 1 tháng “bù giờ”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã nỗ lực cao độ để thu hẹp dần các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi), từ ngày 28/12/2023 đến ngày 3/1/2024, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức họp rà soát liên tục, nhiều ngày về nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) với hệ thống pháp luật. Đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế và đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã tham dự đầy đủ các buổi rà soát.
“Chúng tôi cũng phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các bộ có liên quan làm xuyên Tết Dương lịch 2024. Tết Dương lịch, anh em không nghỉ ngày nào, ngày nào cũng làm việc đến 10 giờ đêm”, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ năm.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từ ngày 2 đến ngày 7/1/2024, sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan họp nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan song song với việc dự họp rà soát kỹ thuật cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Trong quá trình rà soát, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã làm việc trực tiếp với đại diện Hội đồng Dân tộc và các ủy ban để thống nhất phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo. Tại các cuộc họp rà soát, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tiếp tục có ý kiến thêm sau khi Chính phủ đã có ý kiến.
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thống nhất nguyên tắc làm việc: đối với đề xuất về kỹ thuật có thể tiếp thu được ngay, các cơ quan thống nhất để chỉnh lý. Còn đối với đề xuất về nội dung hoặc điều chỉnh kỹ thuật ảnh hưởng đến nội dung, các cơ quan thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về tính hợp lý của đề xuất, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo nhất trí thì ghi nhận tại Dự thảo để báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đề nghị các bộ có ý kiến chính thức bằng văn bản báo cáo Chính phủ, đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về đề xuất của các bộ.
Kết quả, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉnh sửa 53 nhóm nội dung liên quan đến 65 điều, đồng thời, tiếp thu ý kiến các cơ quan, chỉnh lý kỹ thuật tại 190 điều.
Dự thảo sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với Dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ sáu, đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.
Thống nhất về 9 nội dung, chỉnh sửa rõ nghĩa hơn đối với 3 nội dung, Ủy ban Kinh tế tiếp tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 6 vấn đề, trong đó có quy định các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Điều 122 và Điều 127).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ tiếp tục đề nghị mở rộng các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo giữ như quy định của Luật Nhà ở năm 2014 sửa đổi, bổ sung theo Luật số 03/2022/QH15. Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Cần phương án khả thi, không tạo ra thiệt hại cho doanh nghiệp
Mở rộng các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác là nội dung rất mới, được Chính phủ đề xuất ở Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Khi đó, cũng đã có một số vị đại biểu lên tiếng ủng hộ phương án này, với quan điểm pháp luật hiện nay có đầy đủ công cụ về quy hoạch cấp phép, môi trường... để bảo đảm sử dụng đất làm dự án nhà ở phải phù hợp với hạ tầng và không ảnh hưởng đến lợi ích xung quanh.
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII, thực tế sử dụng đất của hầu hết doanh nghiệp trong khu vực miền Đông Nam bộ là sử dụng đất của chính gia đình họ đã có từ nhiều thế hệ hoặc đền bù đất của dân để bàn giao cho Nhà nước, rồi từ đó được Nhà nước cho thuê đất để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. Riêng tại phía Nam tỉnh Bình Dương, bao gồm các thành phố Dĩ An, Thuận An và Thủ Dầu Một, có hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng đất như vậy.
Vị doanh nhân này cho biết, để hiện đại hóa đô thị, giảm thiểu ô nhiễm và tạo điều kiện phát triển địa phương mạnh mẽ hơn, toàn bộ các địa phương trên hiện đã được quy hoạch lại theo hướng sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại và thương mại dịch vụ, không cho phép sử dụng đất cho mục đích sản xuất nữa. Các doanh nghiệp này đều đã được thông báo chuẩn bị ngừng hoạt động, di dời vào các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp tập trung.
Điều 127, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thiết kế theo hướng không ưu tiên cho người đang có quyền sử dụng đất như vậy. Dù đất mà họ đang sử dụng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch mới cho việc phát triển nhà ở thương mại, nhưng họ không được tự phát triển, cũng không được phép chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác thực hiện việc phát triển, do họ không có đất ở.
“Nhưng, làm sao có đất ở được khi trước đây họ bàn giao đất cho Nhà nước để được thuê lại cho mục đích sản xuất, kinh doanh? Dù trong số đất mà họ đã đền bù của dân trước đây có bao gồm cả đất ở, thì khi cho thuê đất, Nhà nước xác định toàn bộ đất cho họ thuê là đất chỉ phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh”, ông Tín nêu vấn đề.
Trong tình thế như vậy, phương án duy nhất cho họ là chờ được Nhà nước đền bù để có tiền di dời. Song, bao giờ được Nhà nước đền bù? Nhà nước có đủ nguồn lực để có thể đền bù cùng lúc hàng ngàn doanh nghiệp như vậy để đạt tiến độ di dời đã đề ra trong vài năm không? Đó là những vấn đề, theo ông Tín, thực tế đang đặt ra.
Cho rằng, không có lý do để lo ngại việc mở rộng như đề xuất của Chính phủ sẽ gây thất thoát cho Nhà nước, ông Mai Hữu Tín ủng hộ phương án khả thi nhất, không tốn kém nguồn lực của Nhà nước, không gây chậm trễ quá trình di dời và phát triển đô thị, không tạo ra thiệt hại cho doanh nghiệp.
Tức là, người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 của Dự thảo.
Cũng là nội dung trọng tâm của Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội, song Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rất quan ngại. Tại phiên họp chiều 9/1/2024, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói “cần làm kỹ hơn, nếu trình thông qua được tại kỳ bất thường này là tốt nhất, trường hợp bất khả kháng thì đành lùi lại”.
Tiếp đó, sáng 12/1/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, trong đó có nội dung về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm.