CÔNG TY CP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SỐ HTECH VIỆT NAM Thiết kế website Thiết kế phần mềm Phần mềm quản lý bán hàng Quản lý dự án và quản lý công việc Sản phẩm & Giải pháp HTECH Website hỗ trợ mọi thiết bị di động

 

Thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam

Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp để làm rõ những vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó đưa ra một số hàm ý quản trị để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Tóm tắt

Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trong mọi lĩnh vực của nền sản xuất xã hội, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chuyển đổi số làm xuất hiện nhiều mô hình và công nghệ sản xuất mới. Do đó, đòi hỏi lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi số để thích nghi với yêu cầu mới của sự phát triển. Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp để làm rõ những vấn đề đặt ra, trên cơ sở đó đưa ra một số hàm ý quản trị để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: chuyển đổi số, kỹ thuật số, hiện đại hóa, sản xuất công nghiệp

Summary

Digital transformation is taking place rapidly in all production sectors of the society. In industrial production, digital transformation has given rise to many new production models and technologies. Therefore, it is required that the industrial production sector of Vietnam must quickly transform digitally to adapt to the new requirements of development. The article analyzes the current situation of digital transformation in industrial production to clarify the issues raised, on that basis, some management implications are proposed to promote digital transformation activities in the industrial production sector in Vietnam nowadays.

Keywords: digital transformation; digital; modernization, industrial production

KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT

Quá trình chuyển đổi số diễn ra trong thời đại bùng nổ internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của các chủ thể sản xuất, kinh doanh ở tất cả những khía cạnh, như: cung ứng, sản xuất, hợp tác, mối quan hệ khách hàng hoặc thậm chí là tạo ra những lĩnh vực sản xuất mới với cách thức hoạt động hoàn toàn mới. Như vậy, chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số, cũng từ các mô hình và quá trình kinh doanh số sẽ tái cấu trúc lại nền kinh tế. Theo đó, trong nghiên cứu này nhóm tác giả quan niệm: Chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và các chủ thể sản xuất, kinh doanh, tận dụng các thành tựu của công nghệ số và công nghệ thông tin để thay đổi căn bản cách thức quản trị, vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho xã hội, khách hàng cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có thể khái quát vai trò của chuyển đổi số trên 4 giác độ, như: (i) Làm thay đổi cơ cấu ngành nghề của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhờ sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin và các nội dung kinh tế số, những ngành chế biến, chế tạo và các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, viễn thông sẽ trở thành động lực chính của toàn lĩnh vực sản xuất công nghiệp; (ii) Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin vào sản xuất đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ thông tin phát triển; (iii) Làm xuất hiện mô hình sản xuất mới và thay đổi phương thức sản xuất công nghiệp từ dựa vào tài nguyên và thâm dụng lao động chuyển sang sản xuất dựa vào công nghệ, tri thức và tổ chức theo mô hình nhà máy thông minh, ít thâm dụng lao động; (iv) Thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo, công nghiệp công nghệ thông tin.

HÌNH 1: CƠ CẤU CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

THEO TRÌNH ĐỘ CÔNG NGHỆ NĂM 2022

Thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam
Nguồn: Tính toán và tổng hợp của nhóm tác giả từ GSO

HÌNH 2: TỶ TRỌNG CÁC NGÀNH CÔNG NGHỆ MỚI

ĐƯỢC ỨNG DỤNG TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP NĂM 2022

Thúc đẩy chuyển đổi số đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam
Nguồn: Tính toán và tổng hợp của nhóm tác giả từ GSO

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Ở Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực. Ở chiều hướng tích cực, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ năm 2016 đến nay cho thấy, quá trình chuyển đổi số có những tác động làm thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp trên các khía cạnh:

Chuyển đổi số làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp

Bắt đầu từ năm 2015 - khi có sự chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, trong cơ cấu sản xuất công nghiệp đã đánh dấu sự giảm dần tỷ trọng của những ngành khai thác sang những ngành chế biến, chế tạo. Sự chuyển biến này đã tạo ra những biến động về tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp (IIP), trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà phát triển cho Việt Nam trong những năm gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng IIP năm 2022 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của nước công nghiệp, tăng trưởng 8% - tốc độ cao nhất trong số các ngành công nghiệp. Cụ thể, trong 4 ngành công nghiệp cơ bản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP (24,7%); tiếp theo là sản xuất và phân phối điện (3,99%); công nghiệp khai khoáng (2,82%) và cuối cùng là cung cấp nước (0,49%). Tỷ trọng này của các ngành đều có xu hướng cao lên qua các năm. Chẳng hạn, nếu như tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 là 20,96%, thì đến năm 2020 đã tăng lên 23,95%; 2021 là 24,82%; 2022 là 24,76% [9, 10].

Hình 1 cho thấy, số lượng doanh nghiệp có trình độ cao, tuy chỉ chiếm thấp về số lao động, tài sản lưu động và đầu tư tài chính dài hạn, nhưng đã chiếm tỷ trọng cao hơn về nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế. Điều này đã chứng tỏ rằng, chuyển đổi số mang lại những lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và gián tiếp cho sự phát triển của xã hội.

Chuyển đổi số thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt trên 70.000 doanh nghiệp. Tỷ trọng các ngành công nghệ mới được ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có sự gia tăng đáng kể của công nghệ thông tin (Hình 2). Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đông đảo (trên 70.000 doanh nghiệp công nghệ số năm 2022), Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nên một ngành sản xuất công nghiệp có hàm lượng chất xám cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số làm xuất hiện mô hình sản xuất công nghiệp mới và thay đổi cách thức sản xuất

Chuyển đổi số thúc đẩy các nhà máy sản xuất chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, cho phép thực hiện các giao tiếp từ máy tới máy (M2M) dựa trên nền tảng IoT nhằm mục tiêu tăng khả năng tự động hóa, cải thiện hoạt động kết nối, giao tiếp và giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy. Có thể đơn cử như mô hình nhà máy GE Hải Phòng với dòng sản phẩm chủ đạo là máy phát điện, tủ điện cho tua-bin gió và một số sản phẩm cơ khí. Bằng việc áp dụng phần mềm quản lý hiện đại đặt ngay tại từng khu, các kỹ sư tại nhà máy có thể dễ dàng kiểm soát hiệu suất của nhiều thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau ngay trên laptop hoặc máy tính bảng theo thời gian thực. Nhờ các thông số được tổng hợp từng phút đã cho phép người dùng lựa chọn thống kê theo giờ, theo tháng, quý…, người kỹ sư sẽ biết được tình hình hoạt động của hệ thống, tình trạng sản phẩm bị chậm, nguyên nhân là do đâu (đang chờ vật liệu, đang bảo trì…), từ đó giúp tăng hiệu suất tới 25% và năng suất lên 15% [3].

Chuyển đổi số thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chuyển đổi số với động lực chính là ứng dụng công nghệ thông tin và sự đổi mới sáng tạo đã và đang tạo ra những tác động to lớn thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Điều này làm cho quá trình chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ diễn ra nhanh hơn, những tri thức công nghệ luôn phải được cập nhật liên tục. Năm 2017- 2018, trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình sản xuất, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất – kinh doanh; với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chỉ số tương ứng khoảng 50% và 17%-18%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong giai đoạn 2016- 2020 đạt trên 8,5%, cao hơn so với giai đoạn 2011-2015 (7,6%) [9]. Năm 2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 7,69%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế [10]. Qua đó, thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam lên đứng thứ 48/132 nền kinh tế, nằm trong Top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương [6].

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LĨNH VỰC SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang đặt ra những vấn đề cần phải có biện pháp giải quyết:

Một làmức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp công nghiệp còn thấpChuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp có quy mô lớn và khối doanh nghiệp FDI. Đối với các DNNVV mức độ sẵn sàng và chuyển đổi số rất thụ động. Thực tế cho thấy, còn hơn 70% DNNVV phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường, vẫn sử dụng gần 80% máy móc là nhập khẩu công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990 [5]. Hiện nay, phần lớn DNNVV vẫn gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số, nên cả nước chỉ có 15% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chuyển đổi số [7]. Bên cạnh đó, các DNNVV đang thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa, kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)[1].

Hai lànguồn nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số đang thiếu và yếu về năng lực nhưng lại dư thừa về số lượng. Thực tiễn cho thấy, trong số 20% lao động được đào tạo, cơ cấu đào tạo cũng không hợp lý khi thầy nhiều thợ ít, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề rất khan hiếm, chưa đạt yêu cầu thị trường [2]. Lao động trong ngành công nghệ thông tin - một trong những ngành nền tảng để phát triển kinh tế số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số - đang rất thiếu nhiều kỹ năng và không chỉ nhân lực kỹ thuật mà ngay cả nhân lực chất lượng cao, nhân lực cấp cao trong quản trị chiến lược phát triển công nghiệp số cũng đang bộc lộ sự thiếu hụt và chưa đủ trình độ theo kịp sự phát triển. Tuy nhiên, khi robot và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động chưa chuyển đổi kịp sẽ dư thừa. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, Việt Nam trong 10 năm tới, 70% số việc làm có rủi ro cao (có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có rủi ro trung bình (có xác suất bị thay thế từ 30%-70%) và 12% có rủi ro thấp (có xác suất bị thay thế dưới 30%) [8].

Ba làmô hình quản trị và các quy trình đi kèm của các doanh nghiệp còn lạc hậu, chưa theo kịp quá trình chuyển đổi sốChuyển đổi số đòi hỏi nền tảng quản trị tiên tiến, sự chuyển đổi quản trị phải song song với chuyển đổi số. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phần lớn vẫn đang áp dụng cách thức và nền tảng quản trị truyền thống. Đây là vấn đề đặt ra cần phải nghiên cứu thấu đáo và có giải pháp khắc phục để bắt kịp sự phát triển, nếu không chuyển đổi số chỉ mới thực hiện ở lộ trình số hóa.

Bốn làsự lệ thuộc công nghệ đang có xu hướng diễn ra trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo [9]. Như vậy, xu hướng phụ thuộc về công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử… của nền kinh tế Việt Nam, điều này đòi hỏi phải sớm được cải thiện để đảm bảo việc chuyển đổi số đạt hiệu quả.

MỘT SỐ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Để chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, bắt kịp với sự thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị như sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển đổi số riêng cho lĩnh vực công nghiệp. Theo đó, lựa chọn chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hướng vào chú trọng phát triển các trụ cột: (i) Xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh; (ii) Xây dựng nhà máy thông minh; (iii) Tổ chức vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh; (iv) Xây dựng dữ liệu về phát triển dịch vụ, kỹ năng số cho người lao động. Tăng cường sử dụng số hóa để hỗ trợ hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động và tạo ra các cơ hội tăng trưởng mới. Đồng thời, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới để tạo động lực, sự lan tỏa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Thứ hai, nhanh chóng mở rộng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ số cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong những thập kỷ tới. Đồng thời, thực hiện xây dựng tiêu chuẩn hóa chất lượng đào tạo thông qua hệ thống chứng chỉ chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp. Theo đó, khuyến khích mô hình đào tạo liên kết giữa doanh nghiệp với trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển nhân lực số cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Thứ ba, khuyến khích thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh đòi hỏi phải chuẩn hóa trong quản trị để phù hợp với các phần mềm công nghệ hiện đại, do đó Chính phủ phải hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển giải pháp, nền tảng chuyển đổi số, như: xây dựng tiêu chí; tổ chức đánh giá; hệ thống cơ chế chính sách chuyển đổi số phù hợp.

Thứ tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước triển khai ứng dụng các nghiên cứu khoa học cơ bản, sáng tạo vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy sự chuyển giao và trao đổi công nghệ cao, công nghệ mới giữa các ngành công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp công nghệ lớn trên toàn cầu. Song song với đó, thiết lập chiến lượng và xác định lộ trình tham gia, hội nhập tích cực vào thị trường tiến bộ khoa học - công nghệ thế giới. Chỉ có như vậy, mới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc về công nghệ, phát huy được sức mạnh trí tuệ và thành quả của lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước./.

TS. NGUYỄN THỊ THANH TÂM, TS. TRẦN THANH TÙNG

Học viện Chính trị Khu vực 1

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - Tháng 4/2023)

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Liên kết khác
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HÀ TĨNH
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: Số 14, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 091.202.2196
 
Designed by