Tiếp tục phát triển theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng
Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức do đại dịch Covid-19, tuy nhiên với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp vừa phòng dịch vừa tập trung sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư bằng những cách làm hay, đột phá, Hà Tĩnh tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng.
Thu hút đầu tư khởi sắc trong bối cảnh dịch bệnh
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động không nhỏ, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế, kiên trì mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, tiếp tục xác định việc mời gọi, thu hút đầu tư là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng các hoạt động thu hút, quảng bá đầu tư và xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn, chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng hành tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: “Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, Hà Tĩnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng về giao thông vận tải, đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp. Để bảo đảm môi trường đầu tư, tỉnh đã đề ra những chính sách khá rõ ràng và cụ thể như: Tập trung vào chất lượng dự án, chọn lọc dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực…” .
Nhờ vậy, Hà Tĩnh luôn là địa phương nằm trong các tỉnh đứng vào tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư và về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, tiếp tục khẳng định sự thành công về định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh song song công tác phòng chống dịch.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Hà Tĩnh thu hút 39 dự án đầu tư trong nước với tổng mức hơn 2.900 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài gần 2,5 tỷ USD (dự án Nhiệt điện Vũng Áng II). Khởi công 03 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (tại huyện Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ) với tổng mức 700 tỷ đồng; khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Tính đến nay, Hà Tĩnh đang là nơi hội tụ của hơn 1.400 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với 1.459 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 437.000 tỷ đồng. Trong đó, có 1.383 dự án trong nước với tổng số vốn gần 120.000 tỷ đồng; 76 dự án FDI, vốn đăng ký 13,76 tỷ USD.
Lĩnh vực thu hút đầu tư ngày càng đa dạng về quy mô, lĩnh vực: các dự án quy mô khá lớn về sản xuất công nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, y tế, du lịch… với các dự án có giá trị thực hiện lớn đã đi vào hoạt động tiếp tục tạo đà cho sự phát triển của tỉnh.
Duy trì sự ổn định trong thực hiện “mục tiêu kép”
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Hà Tĩnh vừa ưu tiên phòng dịch vừa tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hạ tầng… vì vậy, nền kinh tế tỉnh tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng.
Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,08%; Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,85%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,68%, khu vực dịch vụ tăng 1,59%. Cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.610 tỷ đồng, bằng 95% dự toán cả năm. Trong đó, thu ngân sách nội địa đạt 5.580 tỷ đồng, bằng 80% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.030 tỷ đồng, vượt 16% dự toán cả năm 2021.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 83% (xuất khẩu thép từ Formosa đạt 1,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch); nhập khẩu đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 76% (chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Formosa).
Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đô thị: Tiếp tục hoàn thiện quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ chính sách vùng ngập lụt, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã khởi công 31/32 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ. Trong đó, 22/31 nhà đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng, khởi công 1.894/2.053 nhà ở kiên cố, trong đó 1.509 nhà đã hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 luôn được Hà Tĩnh chủ động triển khai theo từng cấp độ diễn biến dịch. Tỉnh đã huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đến nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tiếp nhận tiền và hiện vật hơn 125 tỷ đồng. Cử đoàn cán bộ y tế hỗ trợ Nghệ An, Bình Dương phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, để chia sẻ, giảm áp lực với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tỉnh phát động quyên góp, ủng hộ kinh phí, nông sản, thiết bị y tế; tổ chức 06 đợt đón gần 2.040 công dân có nguyện vọng về quê.
Khởi công Dự án Khu dân cư Nam Phố Châu có tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng. |
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả cao về diện tích, năng suất, sản lượng... Chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Những kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội thời gian qua là tiền đề để Hà Tĩnh tăng tốc, bứt phá hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2021.