CÔNG TY CP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SỐ HTECH VIỆT NAM Thiết kế website Thiết kế phần mềm Phần mềm quản lý bán hàng Quản lý dự án và quản lý công việc Sản phẩm & Giải pháp HTECH Website hỗ trợ mọi thiết bị di động

 

Việt Nam tăng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu

Báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021 vừa được Brand Finance công bố cho thấy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Theo đó, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết quyền lực mềm Việt Nam là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có (như lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu) đồng thời còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới. Năm 2020, thực hiện thành công vai trò kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong bối cảnh muôn vàn khó khăn là một minh chứng về vận dụng hài hòa sức mạnh mềm trong đa phương – song phương của Việt Nam.  

"Đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường gây ra nhiều tác động toàn diện, sâu rộng, đẩy nhiều quốc gia vào khủng hoảng kép về y tế và kinh tế. Với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam nhằm khống chế đại dịch, Việt Nam cũng trở thành một đất nước nổi tiếng về sự an toàn. Sự nổi tiếng này sẽ giúp Việt Nam thu hút dễ dàng hơn các nguồn lực của thế giới đặc biệt là thu hút đầu tư, các sự kiện và khách du lịch quốc tế. Không những thế, Việt Nam đã thành công khi biến thách thức của đại dịch COVID-19 trở thành lợi thế để quảng bá, nâng cao hình ảnh các sản phẩm Việt Nam và thương hiệu quốc gia Việt Nam", ông Phú nhấn mạnh.

Trong thời gian tới để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của mình, Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo; từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị đa dạng và phong phú của văn hóa Việt. Chú trọng, đẩy mạnh công tác ngoại giao, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển khoa học và công nghệ.

Bên cạnh việc xây dựng, phát huy “sức mạnh mềm”, Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là “sức mạnh thông minh” trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước.

Là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia, hàng năm, Brand Finance thực hiện Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report). Đây được coi là báo cáo nghiên cứu toàn diện liên quan đến đánh giá quyền lực mềm của các quốc gia.

Năm 2021, Brand Finance đã thực hiện khảo sát 75.000 người (bao gồm cả chuyên gia và công chúng) đến từ 102 nước nhằm đánh giá về quyền lực mềm của 105 quốc gia. Kết quả về Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ các tiêu chí gồm: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia đó; Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia: mức độ mà một quốc gia được coi là có ảnh hưởng tại quốc gia của người trả lời cũng như trên thế giới; Danh tiếng tổng thể của quốc gia: quốc gia này có được coi là có danh tiếng mạnh mẽ và tích cực trên toàn cầu không?;  Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch bệnh Covid-19;  Hiệu suất trên 7 trụ cột của Quyền lực mềm (Kinh doanh & Thương mại, Quản trị, Quan hệ Quốc tế, Văn hóa & Di sản, Truyền thông & Báo chí, Giáo dục & Khoa học, Con người & Giá trị).

Nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Brand Finance đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về Quyền lực mềm toàn cầu” từ 19h00 đến 23h00 thứ Năm, ngày 25/02/2021 (giờ Việt Nam). Diễn đàn có sự tham gia của cựu Ngoại trưởng và Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Bà Hillary Rodham Clinton cùng nhiều diễn giả nổi tiếng khác trên thế giới và được truyền thông trên BBC Global News./.

Nguồn: Kinh tế và dự báo

Thống kê truy cập
Đang online 7606 Tổng lượt truy cập 2511601
Liên kết khác
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HÀ TĨNH
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: Số 14, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 091.202.2196
 
Designed by