Cùng tháo gỡ “điểm nghẽn” để doanh nghiệp phát triển
Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền Hà Tĩnh với doanh nghiệp năm 2023 diễn ra trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Qua đây, chính quyền và doanh nghiệp đã cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn vì sự phát triển chung.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch
Tại chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp (DN), doanh nhân năm 2023 diễn ra vào ngày 12/10, gần 200 doanh nghiệp đều khẳng định thời gian qua, Hà Tĩnh đã vào cuộc rất tích cực hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặc dù vậy, hiện nay, doanh nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhất là những vấn đề thuộc lĩnh vực: tài nguyên môi trường, tài chính – thuế, thủ tục đầu tư... rất cần được tỉnh quan tâm, tháo gỡ kịp thời.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Tĩnh nêu ý kiến: “Tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư là những tập đoàn lớn về đầu tư rất nhiều lĩnh vực tại Hà Tĩnh, trong đó có du lịch. Tuy nhiên, các dự án đầu tư về du lịch chưa được triển khai nhiều. Trong lúc đó, cơ sở vật chất hạ tầng không đồng bộ, các khu du lịch nổi tiếng của Hà Tĩnh chưa đáp ứng được hết các yêu cầu để đón và giữ chân du khách. Tỉnh có kế hoạch gì để giải quyết những hạn chế trên nhằm thu hút du khách về với Hà Tĩnh trong thời gian tới?".
Bà Thân Thị Nghị - Giám đốc Khách sạn Thiên Ý (Khu du lịch Thiên Cẩm - Cẩm Xuyên) cũng cho rằng: "Tỉnh nên có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch. Khu du lịch Thiên Cầm có khu nghĩa trang “án ngữ” làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, đề nghị tỉnh sớm triển khai di dời".
Tiếp thu và trao đổi các ý kiến về lĩnh vực du lịch, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Xuân Thập cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch. Hiện đã có 25 doanh nghiệp ký cam kết đầu tư du lịch trên địa bàn. Để hoạt động du lịch xứng tầm với tiềm năng, ngành sẽ tăng cường khuyến khích cơ sở đào tạo mở các lớp tập huấn, mời các chuyên gia hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực năng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ để “tự đứng vững” trên đôi chân của mình.
Thông tin đến các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết: Hà Tĩnh đang tiến hành thực hiện các phần việc để nâng tầm du lịch biển Thiên Cầm; giao huyện Cẩm Xuyên quyết liệt triển khai quy hoạch và xây dựng lộ trình di dời nghĩa trang tại khu du lịch Thiên Cầm.
Nhiều giải pháp sát sườn với sự phát triển của doanh nghiệp
Tại hội nghị đối thoại, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng trao đổi về tình trạng khan hiếm 2 loại vật liệu thông thường là đất đắp và cát; giá đất, cát mà doanh nghiệp mua đang cao so với giá thông báo của tỉnh; đơn giá nhân công trong xây dựng cơ bản đang ban hành thấp hơn so với giá doanh nghiệp thuê thực tế.
Thông tin về tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng đất và cát, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Hà cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, phân tích, đánh giá trữ lượng các mỏ vật liệu xây dựng; đề nghị các chủ mỏ nâng công suất đảm bảo hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong giai đoạn đến năm 2025.
Về vấn giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công hiện đang nằm trong khung giá do Bộ Xây dựng ban hành. Thời gian tới, tỉnh sẽ tham mưu để các cấp, ngành có sự điều chỉnh nhằm giảm dần sự chênh lệch. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý về giá, bình ổn giá vật liệu xây dựng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các mỏ trên các địa bàn tỉnh để tăng nguồn cung, giảm giá thành vật liệu xây dựng.