CÔNG TY CP PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ SỐ HTECH VIỆT NAM Thiết kế website Thiết kế phần mềm Phần mềm quản lý bán hàng Quản lý dự án và quản lý công việc Sản phẩm & Giải pháp HTECH Website hỗ trợ mọi thiết bị di động

 

Họp báo giới thiệu Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Ngày 10/7/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chủ trì Họp báo giới thiệu về các Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; trao đổi về những cải cách quan trọng, những nỗ lực để đưa các luật này đi vào cuộc sống.

Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua các luật nêu trên với tỷ lệ phiếu tán thành rất cao. Điều đó khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với nguyên tắc kinh tế thị trường cũng như các cam kết hội nhập của Việt Nam, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng để khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.


Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Họp báo

Phát biểu tại Họp báo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, các Luật Đầu tư năm 2020, Doanh nghiệp năm 2020 và PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và nhấn mạnh, lý do tại sao sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Theo đó, hai Luật này được sửa đổi nhằm cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp 2013, trong đó khẳng định quyền tự do kinh doanh, tạo động lực lớn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, nâng cao chất lượng, nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong vòng 3 năm, từ năm 2016-2019, nguồn vốn FDI đăng ký đạt gần 120 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn FDI đăng ký trong 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Các luật này có tác động lớn đối với sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hai Luật này có một số vấn đề, tình huống phát sinh như xung đột của hai Luật này với các luật khác như Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật bất động sản… Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh mới theo Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện nhưng vẫn còn có khoảng trống pháp lý. Việc sửa đổi hai Luật này nhằm định vị lại dòng vốn đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các quốc gia. Đảng và Nhà nước đã có hàng loạt chủ trương về đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đối với Luật PPP, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, đây là luật mới dựa trên thực tiễn tổ chức triển khai các hoạt động PPP trong thời gian qua nhưng căn cứ pháp lý còn ở mức độ là Nghị định nên việc thực thi, thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chia sẻ rủi ro giữa nhà nước với nhà đầu tư. Trong quá trình xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được các ý kiến quý báu của các cấp, các ngành với mong muốn xây dựng khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu quả, minh bạch đầu tư theo PPP.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt

Giới thiệu về một số nội dung của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết, Luật có 5 cải cách quan trọng. Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”. Thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Thứ hai, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu nhà nước, trong đó, sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước để xác định rõ loại doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh. Theo đó, bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài. Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.


Toàn cảnh Họp báo

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư

Giới thiệu về Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Quách Ngọc Tuấn cho biết, Luật có 07 Chương, 77 Điều và 4 Phụ lục. Trong đó, về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (Điều 4) nhằm khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật này sửa đổi, bổ sung Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các Luật có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật này đã sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 06 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư năm 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.

Luật quy định rõ ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (các Điều 6, 7, 8 và 9), trong đó bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp (gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV).

Đồng thời, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật này đã quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận "chọn bỏ" (Điều 9).

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (các Điều từ 15 đến 20), Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.

Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng theo hướng xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các doanh nghiệp ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. Bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế (Điều 45)…

Hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài

Tại Họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương giới thiệu Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 và cho biết, việc ban hành một luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Trước kia, quy định chi tiết cho hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công...; Khung pháp lý ở cấp nghị định sẽ không ổn định, liên tục phải điều chỉnh, gây nhiều bất lợi cho cả phía nhà nước và doanh nghiệp khi thực hiện các dự án PPP có quy mô đầu tư lớn, dài hạn.

Thứ hai, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Hợp đồng dự án PPP thường kéo dài từ 20-30 năm. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng một cách bền vững, lâu dài.

Thứ ba, Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam.

Luật PPP với sự kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.

Luật quy định những nội dung đặc thù mới về lĩnh vực đầu tư; Quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; Hội đồng thẩm định dự án PPP; Vốn nhà nước trong dự án PPP; Lựa chọn nhà đầu tư; Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; Huy động vốn của doanh nghiệp dự án; Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP; Dự án BT.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã liên tục được hoàn thiện theo hướng tạo hành lang pháp lý cho việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển kinh tế tư nhân và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cảm ơn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan báo chí đã luôn ủng hộ, đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong những nỗ lực nhằm đổi mới, cải cách thể chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội nói chung và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nhanh chóng hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn các luật nhằm đảm bảo các nội dung của 03 luật quan trọng này sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả đồng bộ với các chính sách khác, tạo động lực phát triển mới cho đất nước, đặc biệt là sau thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19.

Với những điểm mới, những nội dung đột phá được quy định tại các luật này là quá trình cải cách, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân có khung khổ hoạt động minh bạch, rõ ràng, hiệu quả. Khi các luật này đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo ra điểm nhấn mới, đảm bảo tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn nữa.

Tại họp báo, đông đảo phóng viên, nhà báo đã đặt câu hỏi liên quan đến các điểm mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật PPP cũng như kế hoạch xây dựng các nghị định hướng dẫn các luật này và đã được Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan làm rõ./.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Liên kết khác
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HÀ TĨNH
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Địa chỉ: Số 14, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Điện thoại: 091.202.2196
 
Designed by