Nền kinh tế khó “tiêu hóa” vốn tín dụng, khuyến nghị nhiều giải pháp
Trước thực tế tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 suy giảm, nhiều giải pháp được các ngân hàng cũng như cơ quan quản lý nhà nước đưa ra.
Dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng suy giảm
Tăng trưởng tín dụng suy giảm ngay trong tháng đầu năm 2024 đang là mối quan tâm “nóng” của các ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 1/2024, dư nợ cho vay của Ngân hàng giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng. Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 vừa qua, là do xu hướng vay bất động sản tiêu dùng suy giảm. Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Trong khi đó, số dự án mới được cấp phép ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế. Ở khía cạnh bán buôn, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp. Vietcombank đã phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhưng xử lý vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp ngần ngại đầu tư mới, mở rộng kinh doanh, dẫn tới giảm vay vốn. Một yếu tố đặc thù của Vietcombank là tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn thường chiếm tỷ trọng lớn, trong khi dư nợ cho vay thanh toán quốc tế có yếu tố thời vụ. Tâm lý chung của khách hàng là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm.
Tình trạng dư nợ cho vay giảm cũng xảy ra tương tự tại một ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước khác. Theo ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, dư nợ tín dụng của BIDV trong tháng vừa qua giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương giảm 25.000 tỷ đồng…
Các ngân hàng đang gặp khó trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng |
Điều đáng nói là tuy mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng nhu cầu vay vốn tín dụng không những không tăng mà vẫn giảm. Lý giải nghịch lý này, Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay, mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua. Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, khi 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%. Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.
Khi lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 giảm, dưới góc độ của cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đó là do: cầu tín dụng của nền kinh tế giảm vì cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm; một số nhóm khách hàng (nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa) có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; quy luật mùa vụ…
Để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng đề xuất nhiều giải pháp, đồng thời cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, nên đề nghị cơ quan quản lý gia hạn thêm Thông tư số 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì ngày 30/6/2024 đến hạn.
Nỗ lực của ngành Ngân hàng thôi là chưa đủ
Để có đầu ra cho tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú gợi ý: “Gói 15.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả, tôi đề nghị thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỷ đồng”.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, cơ quan, địa phương (nguồn: SBV) |
Liên quan đến đề nghị gia hạn thêm hiệu lực của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, ông Tú chia sẻ, cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư này, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. Mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.
Lãnh đạo NHNN cho rằng, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, cơ quan, địa phương (về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản...). Riêng với ngành Ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ sau:
Về phía các ngân hàng thương mại: Quyết liệt triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 15/01/2024 của Thống đốc NHNN; Nghị quyết số 103/2023/QH15, ngày 09/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao): Tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên; vốn tín dụng phục vụ Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với lĩnh vực bất động sản: (i) Tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động; (ii) Chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở; (iii) Đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, chủ động cập nhật danh mục dự án nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện tham gia Chương trình do UBND tỉnh, thành phố công bố; thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông: Tiếp tục theo dõi tình hình cấp tín dụng đối với các dự án cũ, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp tín dụng đối với các dự án này. Đối với các dự án mới, ngân hàng chủ động tiếp cận thông tin, xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án trọng điểm: Nâng cao trách nhiệm thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hiệu quả. Tăng cường đồng tài trợ đối với các dự án lớn, trọng điểm để tăng cường khả năng cung ứng vốn, chất lượng tín dụng. Thường xuyên nắm bắt thông tin về các dự án lớn, khách hàng vay vốn; chủ động hợp tác với khách hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đối với lĩnh vực xăng dầu: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật. Chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn vay hợp lệ của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách công bố trên website của Bộ Công Thương) và thương nhân phân phối xăng dầu phục vụ việc mua xăng dầu trong nước, nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được phân giao, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Đối với lĩnh vực tín dụng xanh, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tập trung vốn nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, thúc đẩy thực hiện cam kết COP26. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các ngân hàng thương mại tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa. Mặt khác, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân... Tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn, nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thiết thực, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Việc tổ chức kết nối được thực hiện thường xuyên thông qua các hội nghị, bằng các hình thức phù hợp. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo thực hiện đúng quy định, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để trục lợi. Mặt khác, tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc yêu cầu đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024, Chỉ thị số 02/CT-NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, Quyết định số 83/QĐ-NHNN về Chương trình hành động của NHNN thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động ngân hàng năm 2024. Đồng thời chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn: (i) Cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; (ii) Quyết liệt đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư tại địa phương; (iii) Đảm bảo cung ứng vốn tín dụng phục vụ Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Theo dõi nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và của địa phương để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai chính sách, chương trình tín dụng phù hợp.
NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp sở, ban, ngành đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh, thành phố để được xem xét xử lý theo quy định.
Phó Thống đốc cũng yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Trung ương, tiếp tục tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng... Trong đó, điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng…/.