Tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất
Trước ngày 25/10/2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 theo hướng khoa học, sát thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa các khâu trung gian.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 965/CĐ-TTg, ngày 13/10/2023 tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất.
Thủ tướng ban hành công điện tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện quản lý, sử dụng đất, giao đất, định giá đất |
Công điện nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, qua phản ánh trực tiếp của người dân, doanh nghiệp, dư luận báo chí và trao đổi với địa phương, việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm trễ, chưa quyết liệt.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai, thúc đẩy triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia ý kiến trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, để quy định của Luật Đất đai sửa đổi khi ban hành đi vào cuộc sống; quy định phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trước ngày 25/10/2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 theo hướng khoa học, sát thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa các khâu trung gian, quy định rõ ràng, dễ hiểu, thuận lợi cho người thực hiện và không gây thất thoát ngân sách nhà nước khi thực hiện định giá đất, quyết định giá đất, không để tham nhũng tiêu cực và không để sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm.
Đồng thời, trước ngày 31/10/2023, trình Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được phân bổ cho các địa phương tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 09/3/2022 để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của địa phương triển khai dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông nguồn lực, phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Hướng dẫn các địa phương triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo nguyên tắc đơn giản thủ tục, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất thuộc thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến đất đai ở các Bộ, ngành, các địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác định giá đất, quyết định giá đất theo thẩm quyền, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 73/NQ-CP, ngày 06/5/2023, không gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo cơ quan tài nguyên và môi trường của tỉnh thực hiện thủ tục hành chính việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, người dân phải nhanh, đúng quy định; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai.
Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; đề xuất nhu cầu sử dụng đất phải đảm bảo việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định; không gây lãng phí về nguồn lực đất đai.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo chức năng, thẩm quyền được giao và các quy định hiện hành.
Thủ tướng cũng phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, thực hiện, đôn đốc, kiểm tra xử lý kịp thời các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh, đề xuất theo Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo dõi, tham mưu đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện, hiệu quả Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện./.